Nghệ thuật sân khấu dù kê là món ăn tinh thần không thể thiếu của đồng bào Khmer tỉnh Kiên Giang nói riêng và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung. Đã từng là loại hình được biểu diễn thường xuyên vào các dịp lễ hội và thu hút đông đảo người dân đến xem, nhưng đến nay nghệ thuật truyền thống trên địa bàn tỉnh như bị lãng quên do thiếu người kế thừa.
DẤU ẤN VÀNG SON
Hiện còn có ý kiến khác nhau về nguồn gốc ra đời của sân khấu dù kê, theo Cục Di sản Văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nhiều người cho rằng, nơi khai sinh ra sân khấu dù kê chính là vùng đất Ba Sắc (Sóc Trăng) và người có công lớn trong việc phát triển nghệ thuật sân khấu dù kê của người Khmer Nam bộ chính là ông Lý Cuôn (Chhà Kọn).
Các diễn viên Đoàn Nghệ thuật Khmer Kiên Giang biểu diễn nghệ thuật dù kê mang tên “Chêy Sô RaVông” tại Liên hoan Nghệ thuật sân khấu Dù kê Khmer Nam bộ lần thứ II, năm 2023.
Dù kê, hay còn gọi là Lakhon Bassac, là loại hình sân khấu ca kịch kết hợp hài hòa giữa âm nhạc, ca hát, múa và diễn xuất. Với cốt truyện đa dạng, từ tích truyện cổ tích, thần thoại đến những câu chuyện đời thường, dù kê mang đến cho người xem những bài học đạo đức sâu sắc về lòng trung thành, sự thủy chung, tình yêu thương, sự hi sinh…
Tại Kiên Giang, dù kê có lịch sử lâu đời, gắn liền với đời sống văn hóa tâm linh của đồng bào Khmer. Vào những dịp lễ hội, Tết Chol Chnam Thmay, tiếng nhạc dù kê vang vọng khắp xóm làng, thu hút đông đảo người dân đến xem. Vào khoảng năm 1980, nghệ thuật dù kê tại Kiên Giang từng có thời kỳ phát triển rực rỡ, góp phần tạo nên bản sắc văn hóa độc đáo cho địa phương. Nhiều nghệ sĩ dù kê tài năng đã được đào tạo và biểu diễn, để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả. Năm nay đã 70 tuổi, đối với ông Danh Khai,ngụ xã Minh Hòa (Châu Thành), tiếng hát, điệu múa của các nghệ thuật dù kê đã nuôi lớn ký ức tuổi thơ của ông. “Ngày xưa mỗi khi ở đâu có đoàn nghệ thuật đến biểu diễn dù kê thì ai cũng háo hức, sắp xếp công việc để đến xem. Đi xem dù kê người dân thường phải bơi xuống, nên nhà ai xa phải từ 3 giờ chiều và nấu cơm đem theo ăn. Lúc xem các nghệ sĩ biểu diễn, có những lúc chúng tôi khóc theo vai diễn của nhân vật” ông Khai chia sẻ.
Hơn 20 năm về trước, mỗi năm Đoàn Nghệ thuật Khmer Kiên Giang biểu diễn gần 60 tuồng nghệ thuật dù kê tại các xã vùng sâu vùng xa và nhận được nhiều sự yêu mến của người dân. Bằng sự đam mê nghệ thuật dù kê, năm 1992, chị Kim Đồng xin tham gia vào Đoàn Nghệ thuật Khmer Kiên Giang. Được tham gia vào các vai diễn, được thỏa sức với đam mê, hơn thế nữa là sự yêu quý của người dân là một ký ức đẹp trong hoạt động nghề của chị Kim Đồng. “Thời vàng son của nghệ thuật dù kê tại Kiên Giang, những đêm diễn thu hút trên 2.000 ngươi đến xem. Khán giả đa dạng từ trẻ em đến người lớn tuổi ai cũng đến xem và yêu quý các nghệ sĩ. Hình như những đêm diễn lượng vé bán không đáp ứng đủ nhu cầu của người dân”, chị Kim Đồng cho biết.
BẢO TỒN, PHÁT HUY NGHỆ THUẬT TRUYÊN THỐNG
Dù kê từng có thời kỳ phát triển rực rỡ, thu hút đông đảo người xem. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của xã hội hiện đại, nghệ thuật dù kê cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức. Sự xuất hiện của nhiều loại hình giải trí mới khiến cho dù kê dần mất đi sức hút. Các đoàn dù kê gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì hoạt động, thiếu nguồn nhân lực trẻ kế thừa, thiếu nguồn lực đầu tư, trang thiết bị, trang phục. Thế hệ nghệ sĩ dù kê gạo cội ngày càng già yếu, trong khi lớp trẻ chưa mặn mà với loại hình nghệ thuật truyền thống này. Trước nguy cơ mai một, nhiều nỗ lực đã được Đoàn Nghệ thuật Khmer Kiên Giang thực hiện nhằm bảo tồn và phát huy nghệ thuật dù kê. Trong đó, Ủy ban nhân dân tỉnh và Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh đã hỗ trợ kinh phí để đoàn luyện tập tham gia các cuộc thi, hội thi về nghệ thuật dù kê.
Các diễn viên Đoàn Nghệ thuật Khmer Kiên Giang luyện tập thường xuyên để biểu diễn và tham gia liên hoan nghệ thuật dù kê.
Là lớp thế hệ trẻ theo nghệ thuật dù kê, anh Thạch Hoàng Tây - thành viên Đoàn Nghệ thuật Khmer Kiên Giang cũng đang cố gắng luyện tập để lưu giữ những giá trị của dân tộc. Tại Liên hoan Nghệ thuật sân khấu Dù kê Khmer Nam bộ lần thứ II, năm 2023 được tổ chức tại tỉnh Trà Vinh, đây là lần đầu tiên anh Thạch Tây được biểu diễn nghệ thuật dù kê. Dưới sự chỉ đạo của Sở Văn hóa Thể thao tỉnh, anh Thạch Tây và các diễn viên của đoàn chỉ có 2 tháng để luyện tập. “Khi mới luyện tập tôi và các diễn viên trong đoàn gặp nhiều khó khăn lắm. Thiếu về trang phục, đạo cụ, diễn viên còn trẻ nhưng với niềm đam mê đoàn đã đoạt 1 huy chương vàng và 2 huy chương bạc tại tại liên hoan” anh Thạch Hoàng Tây cho biết.
Nhờ những nỗ lực đó, nghệ thuật dù kê đang dần lấy lại sức sống. Các vở diễn dù kê ngày càng được đổi mới, sáng tạo, thu hút đông đảo khán giả, đặc biệt là thế hệ trẻ. Dù kê là một viên ngọc quý trong kho tàng văn hóa của đồng bào Khmer. Giữ gìn và phát huy nghệ thuật Dù kê là góp phần bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc, hun đúc tâm hồn cho thế hệ trẻ và tạo nên sức sống mới cho đời sống văn hóa cộng đồng. “Việc bảo tồn và phát huy nghệ thuật dù kê vẫn còn nhiều khó khăn. Để bảo tồn và phát triển loại hình nghệ thuật độc đáo này, Đoàn Nghệ thuật Khmer Kiên Giang sẽ tiếp tục luyện tập, sáng tác ra những vợ hay để phục vụ người dân. Đặc biệt cần có sự chung tay của các cấp chính quyền để nghệ thuật truyền thống ngày càng đến gần với công chúng hơn” nghệ sĩ ưu tú Kim Ly Mét - Trưởng đoàn Nghệ thuật Khmer Kiên Giang cho biết.