Sau thời gian triển khai các chính sách dân tộc vùng đồng bào Khmer, đến nay chương trình, dự án đầu tư cho vùng đồng bào đã từng bước đáp ứng được nguyện vọng của đồng bào. Từ các chương trình đã từng bước đổi thay bộ mặt vùng đồng bào ngày càng khởi sắc. Đặc biệt năm nay, lễ Sene Đôn ta năm nay đồng bào Khmer đón lễ phấn khởi hơn vì lúa trùng múa được giá.
Gia đình chị Thị Mỹ Loan, ngụ khu phố Xà Xía, phường Mỹ Đức (TP. Hà Tiên) dọn dẹp nhà cửa đón lễ Sene Đôn ta năm 2023.
Những ngày nay, dọc các tuyến đường vào các xóm ấp của đồng bào Khmer vùng biên giới huyện Giang Thành và TP. Hà Tiên là những tiếng cười, nói chuyện rôn rã của đồng bào quay quần bên nhau đón lễ Sene Đôn ta. Tại gia đình chị Thị Mỹ Loan, ngụ khu phố Xà Xía, phường Mỹ Đức (TP. Hà Tiên) công việc nhà được các thành viên cùng nhau làm. Chị Loan và người con gái phụ trách dọn dẹp nhà và nấu ăn, còn chồng chị Loan thì phụ trách quét dọn bàn thờ. “Đời sống của đồng bào vùng biên giới giờ đây đã phát triển hơn trước nhiều. Từ những chính sách dân tộc, nhiều người dân đã vươn lên thoát nghèo, đời sống không ngừng được cải thiện. Đặc biệt năm nay, đồng bào Khmer Mỹ Đức trúng giá lúa nên đón lễ Sene Đôn ta phấn khởi hơn” chị Loan cho biết.
Tại ấp Giồng Đá, xã Bàn Thạch (Giồng Riềng) những ngày qua, đồng bào Khmer vui mừng khi cầu Sivali (cầu kênh Sáu Trạng) được khánh thành và đưa vào sử dụng tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào đi lại. Sau 1 tháng khởi công, cầu Sivali đã được xây dựng hoàn thiện với chiều dài 18m, chiều ngang 3,6m. Tổng kinh phí xây dựng là 400 triệu đồng do đại đức Danh Út - trụ trì chùa Thôn Dôn (TP. Rạch Giá) vận động nhà hảo tâm đóng góp. Đồng chí Huỳnh Khai Sị - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Bàn Thạch cho biết: “Thời gian qua, từ những chính sách đời sống của đồng bào Khmer tại xã Bàn Thạch đã có sự phát triển phấn khởi. Cơ sở vật chất, hạ tầng từng bước được đầu tư, chất lượng cuộc sống của đồng bào không ngừng được cải thiện”.
Hòn Đất là huyện nằm trong vùng Tứ giác Long Xuyên, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 13,7%. Hàng năm, huyện đều xây dựng kế hoạch, phân bổ vốn thực hiện các chương trình, dự án hỗ trợ dựa trên định hướng phát triển kinh tế của từng xã và nhu cầu hỗ trợ của người dân. Qua đó, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện không ngừng được nâng lên. Đặc biệt, năm nay, đồng bào Khmer trên địa bàn huyện trúng mùa, được giá, đồng bào vui mừng đón lễ Sene Đôn ta. Canh tác lúa trên 20 công đất, cho năng suất 900kg/công, với giá bán 7.200 đồng/kg, anh Danh Mích, ngụ ấp Sơn Bình, xã Nam Thái Sơn (Hòn Đất) thu về lợi nhuận hàng chục triệu đồng. “Mùa lúa năm nay được thiên nhiên ưu đãi nên trúng mùa giá bán cũng cao hơn những năm trước, nên lợi nhuận cao hơn. Gia đình tôi năm nay đón lễ phấn khởi hơn”.
Đồng bào Khmer tại huyện U Minh Thượng gói bánh tét để đón lễ Sene Đôn ta năm 2023.
Những năm qua, tỉnh đã triển khai nhiều chính sách nhằm phát triển tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó, có đồng bào Khmer. Từ các chính sách quan tâm, hỗ trợ đời sống của người dân được nâng lên từ vật chất đến tinh thần. Năm nay, đồng bào Khmer trên địa bàn tỉnh vui mừng, phấn khởi khi đón lễ Sene Đôn ta. Theo đồng chí Danh Phúc - Tỉnh ủy viên, Trưởng ban Dân tộc tỉnh, thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã góp phần quan trọng làm thay đổi diện mạo vùng nông thôn, vùng dân tộc thiểu số.
Đời sống đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có đồng bào Khmer từng bước được cải thiện, nâng lên; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 0,5-1,5%/năm. “Gần 3 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tổng nguồn vốn phân bổ cho tỉnh là trên 446 tỷ đồng. Tỉnh đã phân bổ đến các ban, ngành tỉnh và địa phương thực hiện hỗ trợ đồng bào dân tộc phát triển sản xuất, đẩy mạnh đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ nhà ở… qua đó, đời sống đồng bào không ngừng được cải thiện và phát triển toàn diện” đồng chí Danh Phúc cho biết.
Tin và ảnh: DANH THÀNH (Báo KG)