Cổng thông tin điện tử Ban Dân Tộc

Văn hóa

Xem với cỡ chữAA

QUAN TÂM PHÁT TRIỂN VĂN HÓA DÂN TỘC THIỂU SỐ

(10:14 | 30/08/2023)

Các dân tộc thiểu số ở Kiên Giang sinh sống đoàn kết, hòa thuận và có sự giao lưu về mặt văn hóa. Tuy nhiên, đồng bào vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn trong việc phát triển kinh tế-văn hóa xã hội. Vì vậy, công tác phát triển văn hóa dân tộc thiểu số tại Kiên Giang luôn được đặt lên hàng đầu.

 

Kiên Giang là tỉnh miền Tây Nam Bộ có sự đa dạng về dân tộc và văn hóa. Tỉnh có 27 thành phần dân tộc cùng sinh sống, trong đó có người Khmer và người Hoa. Sau hơn 10 năm thực hiện Nghị định số 05/2011 ngày 14/01/2011 của Chính phủ về Công tác dân tộc, tỉnh Kiên Giang đã thực hiện tốt các hoạt động về công tác văn hóa dân tộc. Tỉnh đã triển khai thực hiện hiệu quả một số chính sách đầu tư, hỗ trợ nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của các dân tộc thiểu số, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

 

Di tích LSVH chùa Láng Cát TP Rạch Giá được tu bổ khang trang (Sưu tầm)

 

Công tác triển khai thực hiện Nghị định số 05/2011/NĐ-CP

Các sở, ngành và địa phương đã chú trọng đến công tác phối hợp tổ chức các hoạt động về công tác văn hóa vùng dân tộc thiểu số. Sở Văn hóa và Thể thao đã ký kết chương trình phối hợp công tác với Ban Dân tộc tỉnh. Qua đó tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành các kế hoạch, quyết định về công tác văn hóa dân tộc, phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương. Công tác thanh tra, kiểm tra đã được tiến hành thường xuyên, giúp ngăn chặn kịp thời và xử lý các hành vi xâm hại di tích, giả mạo di vật, cổ vật. Đội ngũ cán bộ và nhân viên được đào tạo nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, đồng thời tổ chức các lớp tập huấn quản lý di tích và các lớp thuyết minh cho các ban bảo vệ di tích, ban quản lý di tích và công chức của Phòng Văn hóa và Thông tin các huyện, thành phố.

Nhờ chú trọng tuyên truyền về chính sách dân tộc, đồng thời tôn vinh nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số, nên cán bộ và nhân dân cùng tham gia tích cực các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc và thực hiện tốt Luật Di sản văn hóa và các văn bản quy phạm pháp về di sản văn hóa.

Hiện nay tỉnh đang thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2025 và một số Đề án phát triển văn hóa dân tộc thiểu số với mục tiêu, tầm nhìn đưa văn hóa dân tộc thành các sản phẩm và động lực thúc đẩy phát triển du lịch, góp phần nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Sở Văn hóa và Thể thao đã tiến hành kiểm kê di tích, di sản văn hóa phi vật thể vùng đồng bào dân tộc thiểu số, sưu tầm di vật, cổ vật, bảo quản và nâng cấp trưng bày về di sản văn hóa truyền thống của các dân tộc Khmer, Hoa tại Bảo tàng tỉnh.

 

Tỉnh đoàn Kiên Giang tổ chức Hội thảo Giải pháp tạo việc làm và nâng cao đời sống cho thanh niên Khmer (Sưu tầm)

 

Các thiết chế văn hóa của vùng đồng bào dân tộc Khmer bao gồm nhà văn hóa, đội thông tin lưu động, nhà truyền thống, thư viện, đội văn nghệ quần chúng và bưu điện văn hóa xã vv… được gắn liền với các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, từng bước được đầu tư và hoàn thiện, đã góp phần xây dựng đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh cho người dân.

Công tác đầu tư tôn tạo, tu bổ các di tích văn hóa, lịch sử đã được các cấp ủy, chính quyền và Nhân dân quan tâm, có chuyển biến tích cực, các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể ngày càng được bảo vệ tốt hơn trở thành những viên ngọc quý của ngành du lịch Kiên Giang.

Các lễ hội truyền thống và văn hoá dân gian được khôi phục, duy trì, tạo nên sự phong phú, đa dạng về văn hoá, thể thao và tạo sân chơi bổ ích cho đồng bào dân tộc tại các địa phương trong tỉnh. Công tác tổ chức và quản lý lễ hội có nhiều chuyển biến tích cực, nhờ triển khai Quy ước thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội.

Công tác giao lưu văn hoá giữa các dân tộc Kinh-Khmer-Hoa và các dân tộc khác trong cộng đồng cũng được đẩy mạnh thông qua các hoạt động như tổ chức các lễ hội truyền thống, hội thi văn nghệ, thi đấu thể thao, triển lãm ảnh, triển lãm sách báo. Đây là cơ hội để các dân tộc thiểu số trong vùng có dịp giao lưu, học hỏi và tìm hiểu những nét đặc trưng của văn hóa dân tộc khác nhau.

 

Khó khăn và giải pháp

Công tác xây dựng đời sống văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Kiên Giang vẫn đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc và hạn chế do kinh phí và nguồn lực đầu tư. Chính sách và chủ trương về công tác văn hóa dân tộc đã có nhiều nhưng nguồn lực thực hiện chủ yếu phân bổ ở cấp Trung ương, không hỗ trợ cho các tỉnh nên khó triển khai.

Để giải quyết vấn đề này, bên cạnh việc nhà nước tăng cường đầu tư nguồn lực và đẩy mạnh xã hội hóa thì cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, địa phương và người dân. Các cấp ủy và chính quyền cần đưa ra chính sách hỗ trợ và đầu tư cho các hoạt động văn hóa dân tộc, đồng thời tăng cường quản lý và giám sát công tác bảo tồn di sản văn hóa. Đối với người dân, cần tăng cường nhận thức về giá trị của di sản văn hóa và tham gia tích cực vào các hoạt động bảo tồn và phát huy sự giàu có văn hóa của dân tộc.

Ngoài ra, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về di sản văn hóa đến với cộng đồng, đặc biệt là với giới trẻ thông qua các hoạt động giao lưu văn hóa, các cuộc thi và triển lãm về di sản văn hóa dân tộc. Việc tăng cường đầu tư cho đời sống văn hóa tinh thần của vùng đồng bào dân tộc cũng là một giải pháp quan trọng, giúp nâng cao nhận thức về giá trị của di sản văn hóa, đồng thời tạo điều kiện tốt hơn cho việc bảo tồn và phát huy sự giàu có văn hóa của dân tộc.

Những giải pháp trên sẽ giúp nâng cao hiệu quả công tác quản lý văn hóa dân tộc, đồng thời bảo vệ và phát huy giá trị của di sản văn hóa dân tộc, góp phần thúc đẩy sự phát triển văn hóa, kinh tế và xã hội của địa phương.

Bùi Công Ba (CTV-SVHTT)