Cổng thông tin điện tử Ban Dân Tộc

Văn hóa

Xem với cỡ chữAA

NGƯỜI HOA Ở KIÊN GIANG CÓ ĐỜI SỐNG VĂN HOÁ TINH THẦN PHONG PHÚ

(10:11 | 30/08/2023)

Tỉnh Kiên Giang có 27 dân tộc cùng sinh sống, nhưng có 3 dân tộc có dân số động là người Kinh, Khmer và Hoa, trong đó người Hoa chiếm 2,02% dân số tỉnh với 8.756 hộ và 36.105 người. Đời sống kinh tế, văn hóa và xã hội của người Hoa tập trung ở các khu đô thị có hoạt động sản xuất kinh doanh phát triển, đời sống kinh tế cao hơn so với mặt bằng chung của tỉnh. Người Hoa sống hòa hợp, có tinh thần đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau và có giao thoa về mặt văn hóa trong quá trình cộng cư với dân tộc Kinh và Khmer. Việc thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 62-CT/TW của Ban Bí thư về công tác người Hoa trong tình hình mới, cũng tạo thuận lợi cho người Hoa có điều kiện phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội ổn định.

 

Đội lân bang Nam Hải ở TP Rạch Giá chuẩn bị phục vụ lễ hội (Sưu tầm)

 

■ Từ chủ trương đúng đắn của Đảng, nhà nước

Để bảo tồn và phát triển văn hóa, thể thao dân tộc, Đảng và Nhà nước ta đã có những chính sách đúng đắn và phù hợp, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của người dân. Việc thực hiện chính sách văn hóa, thể thao và du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Kiên Giang đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể thường xuyên quan tâm, triển khai thực hiện kịp thời, tạo được sự đồng thuận của người Hoa.

Sau 12 năm thực hiện Chỉ thị số 62-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, tình hình người Hoa ở Kiên Giang đã có bước chuyển biến đồng bộ, căn bản. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể ngày càng nhận thức sâu sắc về người Hoa và những chính sách của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào người Hoa. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong vùng đồng bào Hoa được bảo đảm. Đại bộ phận người Hoa tin tưởng và thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia các phong trào do Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể phát động.

 

Đội nhạc chùa Thánh Đế TP Rạch Giá biểu diễn phục vụ khán giả trong dịp tết (Sưu tầm)

 

Các cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội ở tỉnh Kiên Giang đã tập trung vào công tác giáo dục, tuyên truyền và nâng cao nhận thức của người dân về giá trị và ý nghĩa của văn hóa dân tộc, trong đó có văn hóa truyền thống của người Hoa. Ngoài ra, công tác xây dựng các thiết chế văn hóa, sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của người Hoa từng bước được quan tâm, đầu tư đã góp phần tôn vinh nét đẹp văn hóa truyền thống của địa phương.

Phong trào văn hóa và thể thao của người Hoa có sự phát triển ngày tốt về chất lượng và đang có sức lan tỏa. Công tác bảo tồn tiếng nói, chữ viết và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của người Hoa cũng được quan tâm và đầu tư. Tăng cường phối hợp giữa các cấp, các ngành trong việc thực hiện Chỉ thị số 62-CT/TW, đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc thiểu số, góp phần vào sự phát triển bền vững của địa phương.

 

■ Khó khăn

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn và hạn chế trong việc đầu tư và phát triển văn hóa tinh thần vùng dân tộc Hoa. Ngân sách và nguồn lực đầu tư cho việc xây dựng đời sống văn hóa tinh thần, quản lý và bảo tồn di sản văn hóa dân tộc Hoa trên địa bàn tỉnh chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Công tác đào tạo nguồn nhân lực, văn hóa nghệ thuật vùng đồng bào dân tộc chủ yếu là xã hội hóa, chưa bố trí được ngân sách và nguồn lực cần thiết cho công tác này. Một số cấp ủy, chính quyền địa phương cũng chưa quan tâm đúng mức trong việc thực hiện các chính sách, bảo tồn và phát huy văn hóa các dân tộc ở địa phương. Ngoài ra, một số loại hình di sản văn hóa của người Hoa trong đó có nghệ thuật âm nhạc và sân khấu dân gian có nguy cơ mai một. Một số cơ sở thờ tự tín ngưỡng của người Hoa cũng đang bị xuống cấp chưa có kinh phí sửa chữa.

■ Giải pháp

Để giải quyết những khó khăn và hạn chế nêu trên, Nhà nước cần tăng cường đầu tư kinh phí, đẩy mạnh công tác kiểm kê, sưu tầm và nghiên cứu xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu để lưu trữ lâu dài các loại hình di sản văn hóa phi vật thể của người Hoa. Có chính sách hỗ trợ cho việc dạy và học chữ cho con em người Hoa, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền và thực hiện xã hội hóa việc bảo tồn và phát huy giá trị các loại hình di sản văn hóa của các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Hàng năm cần tổ chức, giám sát các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao của người Hoa để chào mừng kỷ niệm ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam. Ngoài ra, cần tăng cường công tác đào tạo, truyền dạy các loại hình văn nghệ truyền thống của người Hoa, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đầu tư in sách, băng hình tiếng dân tộc Hoa, nhất là các tác phẩm văn học, nghệ thuật, kịch bản lễ hội để đáp ứng nhu cầu tìm hiểu truyền thống của đồng bào dân tộc. Từng bước xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách phù hợp cho công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc thiểu số, trong đó có sự ưu tiên trong cơ chế, chính sách đãi ngộ cho những người có công giữ gìn, bảo tồn, truyền dạy và đào tạo trong lĩnh vực văn hóa dân tộc nói chung và người Hoa nói riêng.

Bùi Công Ba (CTV-SVHTT)