TIN NỔI BẬT:

Cổng thông tin điện tử Ban Dân Tộc

Cộng đồng

Xem với cỡ chữAA

Lão nông Tiên Lây: 2 lần được bình chọn là người có uy tín trong vùng đồng bào…

(10:18 | 13/11/2023)

        Ông Tiên Lây, sinh năm 1971, người dân tộc Khmer, hiện là Chủ tịch Hội người cao tuổi xã Phú Lợi, huyện biên giới Giang Thành, tỉnh Kiên Giang, ông đã được Uỷ ban nhân dân tỉnh Kiên Giang công nhận là người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2023 – 2027. Trước đó, năm 1018, ông vinh dự được bình chọn, mời ra thủ đô Hà Nội tham dự lễ tôn vinh: “Điểm tựa của bản, làng”

          Hiện tại ông Tiên Lây đang sinh sống cùng vợ con tại số nhà 76, tổ 02, ấp Giồng Kè, xã Phú Lợi, huyện Giang Thành. Khi chúng tôi đến nhà, ông đang chăm chú xem lại bức ảnh kỷ niệm của mình lúc ông vinh dự được ra Hà Nội, được chụp ảnh chung với Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và các đại biểu khắp mọi miền đất nước tại lễ tôn vinh: “Điểm tựa của bản, làng” năm 2018.

          Theo các cán bộ Biên phòng đồn Phú Mỹ, Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang, ngoài cương vị là Chủ tịch Hội người cao tuổi của xã, ông Tiên Lây còn rất tích cực tham gia vào các phong trào của địa phương và Đồn Biên phòng phát động. Trong đó, phải kể đến việc ông là người đứng ra vận động bà con, Phật tử Phật giáo Nam tông Khmer trên địa bàn xã tích cực tham gia vào các phong trào xóa đói, giảm nghèo, bài trừ tệ nạn xã hội, toàn dân giữ gìn an ninh phum, ấp. Phong trào tự quản đường biên, cột mốc và tích cực chung tay xây dựng nông thôn mới… Trước kia ông Tiên Lây là Đại đức, trụ trì chùa Giồng Kè, sau khi hoàn tục trở về cuộc sống đời thường, ông đã đứng ra vận động Phật tử, các vị Sư tích cực duy trì và tham gia vào các lễ hội văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer Nam bộ. Hướng cho con em trong phum, ấp hiểu thêm về văn hóa, tín ngưỡng, giáo lý nhà Phật, tạo ra các sân chơi, lễ hội truyền thống lành mạnh, bổ ích, an lành, tiết kiệm…

          Đại đức En Thunh, Trụ trì chùa Giồng Kè, xã Phú Lợi, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang cho biết: “Ông Tiên Lây xuất thân là 1 nhà sư, trụ trì chùa Giồng Kè. Do có kiến thức về Phật giáo Nam tông Khmer, nhiệt tình với phum, ấp, ông đã kết hợp giữa giáo lý nhà Phật với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước để tuyên truyền vận động đồng bào. Từ đó tiếng nói của ông đã có tính thuyết phục cao và mang được nhiều kiến thức pháp luật, các quy định của địa phương đến với bà con trong địa bàn. Ông chính là một người cao tuổi, có trách nhiệm, góp phần rất lớn vào công cuộc xây dựng quê hương, chung tay vận động đồng bảo chấp hành pháp luật, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới…”

          Để bà con địa phương có nơi hoạt động tín ngưỡng, duy trì các giá trị văn hóa của người Khơme, ông Tiên Lây đã đứng ra vận động các Phật tử, mạnh thường quân đóng góp nguồn kinh phí để phụ vào xây cất chùa, nơi sinh hoạt cộng đồng, làm cầu, đường... Ông còn đi tìm các thợ xây có tay nghề, kinh nghiệm trong trang trí các họa tiết chùa chiền, nhờ họ đến tiếp giúp chùa với giá công thợ rẻ. Cứ như vậy mỗi ngày làm một phần việc, qua thời gian các ngôi chùa trên địa bàn dần đã trang nghiêm, sạch, đẹp. Từ đó ông luôn được bà con Phật tử tin yêu, quý trọng, chính quyền địa phương tín nhiệm.

Ông Tiên Lây (Giữa) cùng với Đại đức En Thunh, trụ trì chùa Giồng Kè kiểm tra, động viên thợ trang trí các hoa văn, họa tiết cho ngôi chùa...

          “Do ông Tiên Lây là người cao tuổi, lại có uy tín trong vùng đồng bào, nên mỗi khi đồn Biên phòng cần tập hợp bà con để triển khai các phong trào, đơn vị đều nhờ tiếng nói của ông để mời bà con tham gia các cuộc họp. Theo đó, ông còn tích cực cùng Đồn Biên phòng đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền các quy định trong qua lại biên giới, tuyên truyền luật Biên giới Quốc gia. Ông còn là cầu nối, người hỗ trợ đơn vị trong việc phiên dịch trong các buổi tuyên truyền, vận động bà con tham gia vào các phong trào tự quản đường biên, cột mốc, cũng như phong trào toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới…” Trung tá Danh Tâm, Chính trị viên đồn BP Phú Mỹ, BĐBP Kiên Giang cho biết thêm.

          Ông Tiên Lây bộc bạch: “Ông chỉ mong sao, những đóng góp nhỏ của bản thân ông sẽ giúp cho huyện biên giới Giang Thành ngày càng khởi sắc. Bà con ngày càng cởi mở, tích cực hòa mình, chung sức đóng góp vào các hoạt động, phong trào tại địa phương. Làm thế nào việc thực hiện các phong trào, phần việc của ấp rất thuận lợi hơn, đồng bào mình luôn hăng hái tham gia. Làm thế nào thành lập được thêm các tổ tự quản, có đông đồng bào Khmer, Phật tử, các vị Sư tham gia. Thì an ninh trật tự trên địa bàn, tình hình vùng biên sẽ ổn định, đời sống bà con phát triển đi lên…”

          Có thể nói, cùng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp, với vai trò người uy tín trong đồng bào dân tộc, trong đó có sự đóng góp của ông Tiên Lây, nên đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bà con vùng đồng bào chung sức xây dựng nông thôn mới, tích cực tham gia các phong trào đoàn thể, xã hội tại địa phương... Từ đó phát huy được sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, thúc đẩy nền kinh tế, giúp cho huyện biên giới Giang Thành ngày một khởi sắc, đi lên…

Tiến Vinh (Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang)