Hải và Tài tuần tra bảo vệ đường biên.
Tất cả các mốc trên đoạn biên giới tỉnh Kiên Giang tiếp giáp nước bạn Campuchia đều là mốc đơn. Hai nước cùng phân định đường biên chung trên một cột mốc. Nhưng ở huyện biên giới Giang Thành lại có duy nhất một cặp mốc đôi. Cặp mốc đôi này không phân định biên giới, mà làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biên giới. Chúng tôi muốn nói về hai cột mốc bằng xương, bằng thịt là hai anh em ruột người dân tộc Khmer cùng là sĩ quan Biên phòng. Anh đại úy Danh Hải, từng công tác tại đồn Biên phòng Phú Mỹ, vừa mới về nhận nhiệm vụ mới tại cơ quan Bộ Chỉ huy, em Thượng úy Danh Thành Tài, từng công tác tại đồn Biên phòng Giang Thành, cũng mới được điều động về công tác tại đồn Biên phòng Thổ Châu, thuộc Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang. Câu chuyện về họ đã trở thành tấm gương vượt khó, vươn lên cho lớp lớp thế hệ trẻ hôm nay.
Thầy Trần Văn Ten - Phó Hiệu trưởng trường THPT Thoại Ngọc Hầu, Huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang cho biết: “Ở trường THPT Thoại Ngọc Hầu, xã Tân Khánh Hòa, huyện Giang Thành này, ban giám hiệu, các thầy, cô giáo đều biết về hai anh em Danh Hải, Danh Thành Tài. Bởi câu chuyện hai anh em ruột người Khmer nhà nghèo vượt khó cùng thi đậu vào Học viện Biên phòng từ trước đến nay chưa từng có. Nó đã trở thành một kỳ tích, một tấm gương để các thầy cô lấy đó truyền dạy cho các thế hệ sau này. Và trong các kỳ tuyển sinh, tuyển quân địa phương cũng thường nhắc đến 02 em này nhằm cho tuổi trẻ hôm nay có thêm ý chí phấn đấu…”
Với Danh Hải và Danh Thành Tài, vượt khó để được học, rồi được trở về vùng biên này công tác là một niềm vui lớn. Bởi từ đây, các anh có điều kiện góp phần xây dựng quê hương, đáp tạ thâm ân cha mẹ, thầy cô, bà con chòm xóm, của chính quyền địa phương và đồng đội. Khi đến 02 đơn vị là đồn Giang Thành và Phú Mỹ, nơi Hải và Tài công tác thì cấp ủy, ban chỉ huy đơn vị đều đánh giá cao vai trò, trách nhiệm của 02 cán bộ này. Đồng thời cho biết thêm 02 đồng chí luôn tích cực trong các phong trào, các hoạt động xã hội như giúp dân, chăm dạy trẻ em nghèo ở địa bàn…
Hải chăm sóc, dạy học cho trẻ em nghèo vùng biên.
Tài dạy học cho con nuôi đồn Biên phòng.
Hải và Tài về tiếp cha, mẹ làm ruộng…
Sinh ra, lớn lên ở một vùng biên nhiều nắng, gió, trải qua một tuổi thơ nhiều cơ cực. Hôm nay, đối với Hải và Tài, việc mang cái chữ đến với các em nhỏ vùng sâu, vùng xa là một trách nhiệm. Bởi họ đã quá hiểu thế nào là không được đi học, vì thiếu kiến thức mà dẫn đến lạc hậu, đói nghèo. Không chỉ có dạy học, mà Hải và Tài còn không quên động viên, định hướng tương lại cho thế hệ trẻ.
Danh Hải tâm sự: “Gia đình tôi rất nghèo, hai anh em đi học chỉ có 02 bộ quần áo. Hồi đi học đại học, hai anh em tự lo cho nhau, hè tôi đi làm thêm kiếm tiền mua vé tàu cho em tôi về thăm ba mẹ. Nay có công việc ổn định, bản thân tôi lúc nào cũng muốn mang hết khả năng, kiến thức của mình để cống hiến cho vùng biên này. Và nhất là truyền đạt kiến thức, định hướng học tập, chăm lo cho tương lai các trẻ em nghèo có điều kiện vượt khó vươn lên trong học tập…”
“Địa phương này rất vinh dự, tự hào khi có những người con như hai anh em Danh Hải và Danh Thành Tài. Họ từ đói nghèo, quyết học tập vươn lên, để đỗ đạt rồi lại quay về vùng biên này công tác. Hai anh em đã làm được nhiều việc cho địa phương, giúp vùng quê này ngày một phát triển đi lên. Đó là những tấm gương, câu chuyện mà nhà chùa cho là rất có ý nghĩa để giáo dục con em trong phum, trong ấp…” Đại đức En Thunh, trụ trì chùa Giồng Kè, xã Phú Lợi, huyện Giang Thành bộc bạch.
Tấm lòng và kỳ vọng của mẹ, của cha, cô, thầy, bè bạn, bà con phum, ấp đã tiếp thêm nghị lực để hai anh em Danh Hải và Danh Thành Tài vượt qua tất cả. Câu chuyện về hai sĩ quan Biên phòng người Khmer là như vậy. Cùng với cánh cò, đồng lúa, con sông, tiếng chuông chùa nó làm cho vùng biên giới Tây Nam này đẹp thêm những sắc màu mới. Nó đọng lại trong mỗi người niềm cảm phục về tấm gương vươn lên trong gian khó. Hai sĩ quan Biên phòng ấy đã trở thành mốc đôi trong lòng thế hệ trẻ trên vùng biên giới Giang Thành.